Vị thuốc Tô mộc: Tác dụng và các bài thuốc hay chữa bệnh trong Đông y

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Tô mộc có vị ngọt, tính bình, không độc, vào 3 kinh tâm, can và tỳ có tác dụng trong nhiều bệnh lý khác nhau. Vậy Tô mộc là cây gì? Có tác dụng gì? Chữa được những bệnh gì? … Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây nhé!

Tô mộc – Vị thuốc chữa được nhiều bệnh lý hiệu quả

Một số thông tin về Tô mộc

Cây Tô mộc còn có tên gọi khác là Gỗ vang, vang nhuộm, tô phương, … thuộc họ vang Caesalpiniaceae, có tên khoa học là Caesalpinia sappan L và tên dược liệu là Lignum Sappan.

Tô mộc là loại cây thân gỗ, sống lâu năm với chiều cao khoảng 7 – 10m, thân cây thường có gai nhỏ, gỗ rắn chắc, phần lõi có màu nâu đỏ, cành non có lông mịn và gai ngắn. Lá kép lông chim mọc so le với nhau, gồm 12 hoặc hơn 12 đôi lá chét nhỏ xuất hiện với hình thang; phần lá hơi hẹp ở phía dười tròn ở đầu, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lớp lớp mịn bao phủ. Hoa 5 cánh có màu vàng, mọc từng chùm ở đầu cành, bầu hoa được bao phủ bởi lớp lông màu xám, nhị hơi lòi ra và nửa phần dưới có lông, ra hoa vào tháng 4 – 6 hàng năm. Quả dẹt hình trứng ngược dài từ 7 – 10cm, rộng khoảng 3.5 – 5cm, vỏ dày và rất cứng, dai, có sừng nhọn ở đầu, quả xuất hiện vào khoảng 7 – 9 hàng năm.

Vị thuốc Tô mộc là lõi gỗ được chẻ nhỏ có nguồn gốc từ thân cây vang, có hình trụ hoặc nửa trụ tròn. Mặt bên ngoài dược liệu có vết cành và vết dao đẽo, có khe nứt dọc còn mặt cắt ngang có màu da cam, thấy rõ vòng tuổi, có màu nâu tối. Các thanh được chẻ ra có màu hồng đỏ, chỗ đậm chỗ nhạt, cứng, nặng, không mùi và có vị hơi se.

Tác dụng của vị thuốc Tô mộc

Từ lâu đời, vị thuốc Tô mộc được dùng để chữa đau bụng, bế kinh, kinh nguyệt không đều, đau bụng sau sinh, cầm máu vết thương, bệnh trĩ mới phát, … Sau đây là thông tin chi tiết hơn về công dụng của cây tô mộc theo Y học cổ truyền và Y học hiện đại được GV Cao đẳng Dược TPHCM chia sẻ:

Theo Y học cổ truyền: Tô mộc có vị mặn, ngọt, hơi cay, tính bình nên được quy vào 3 kinh can, tỳ và tâm, nên:

  • Tô mộc có tác dụng điều hoà kinh nghệt, giảm sưng, chỉ thống và hoạt huyết.
  • Chủ trị chữa chứng rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, đau bụng kinh, huyết trệ, tụ máu do chấn thương hay sang chấn.

Theo nghiên cứu Y học hiện đại:

  • Tô có tác dụng kháng các loại vi khuẩn và không bị ảnh hưởng nguyên nhân do dịch vị của dạ dày. Gồm các vi khuẩn như: Shigella dysenteriae Shiga, Shiga flexneri, Shigella Sonnei, Staphylococcus, Bacillus subtilis, …
  • Tô mộc có chứa hoạt chất Bromelain có tác dụng kháng Histamin và duy trì tác dụng của Hoocmon tuyến thượng thận (thực nghiệm ở thỏ).
  • Tô mộc sắc nước có khả năng giúp khôi phục chức năng hệ tim mạch (của ếch cô lập).
  • Tô mộc còn có tác dụng giảm độc tố của một số thuốc kháng sinh như: Chlorpromazine, Quinin, Nikethamid, …

Các bài thuốc hay chữa bệnh trong Đông y của Tô mộc

Các bài thuốc hay chữa bệnh trong Đông y của Tô mộc

Bài thuốc chữa đau bụng do huyết ứ

Thành phần:

  • Tô mộc và Đương quy: Mỗi loại 16g.
  • Xuyên khung và Xích thược: Mỗi loại 14g.
  • Thán khương, Hồng hoa và Đào nhân: Mỗi loại 6g.
  • Cam thảo: 4g.

Thực hiện: Đem các thành phần nấu cùng với 500ml nước, đun trên lửa nhỏ đến khi nước cạn lại còn khoảng 150ml thì tắt bếp. Chia nước thuốc làm 2 lần uống vào mỗi buổi sáng và buổi tối. Liên tục trong một tuần.

Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh trĩ mới tái phát

Thành phần:

Tô mộc: 30g; Hoàng bá, Ngũ bội tử, Sa hoàng: Mỗi vị 20g và 10g Binh lang.

Hoặc dùng 30g Tô mộc, 10g Hoàng liên và Ngũ bội tử, Hoàng đằng: Mỗi vị 20g.

Thực hiện: Đem sắc với 2 lít nước trong 10 – 15 phút, cho nước ra chậu và dùng để rửa sạch vùng hậu môn rồi ngâm thêm 10 – 15 phút. Sau khi ngâm, ngồi nghỉ khoảng 15 phút rồi mới được đi lại. Mỗi ngày ngâm môt lần, kiên trì thực hiện liên tục sẽ giúp làm mềm, khô búi trĩ và giúp trĩ tự co lên.

Bài thuốc giảm đau bụng kinh, điều hòa kinh nguyệt

Thành phần:

  • Tô mộc, Hồng hoa, Xuyên khung: Mỗi vị 6g.
  • Hương phụ, Ngũ linh chi: Mỗi vị 8g.
  • Quy vĩ, Ngưu tất, Xích thược, Đào nhân: Mỗi vị 10g.
  • 15g Sinh địa và 1,5g Hổ phách.

Thực hiện:

Đem tất cả nguyên liệu nghiền thành bột, trộn đặc với nước và vo thành viên hoàn cỡ hạt ngô. Một ngày uống 2 – 3 lần, một lần uống 10 viên với nước ấm. Dùng trước 7 – 10 ngày khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu.

Bài thuốc chữa chứng tụ máu do chấn thương, té ngã

Thành phần:

  • 15g Tô mộc.
  • Mỗi vị 10g gồm: Nhũ hương, Huyết kiệt, Đồng tự nhiên, Một dược.
  • 8g Hồng hoa.
  • 4g Chế phàn mộc miết.
  • 2g Đinh hương.
  • 0,4g Xạ hương.

Thực hiện: Đem các dược liệu tán thành bột mịn, một ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 3 – 4g với rượu trắng.

Lưu ý: Tuyệt đối không sử dụng vị thuốc Tô mộc cho phụ nữ mang thai.

Thông tin bài viết được Phòng truyền thông Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổng hợp và chia sẻ, chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh không được tự ý áp dụng khi chưa có sự hướng dẫn và đồng ý của Y Bác sĩ.

Nguồn: thuocbac.edu.vn