Đạm trúc diệp: Tác dụng và các bài thuốc hay chữa bệnh “bất hủ”

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Đạm trúc diệp là một dược liệu giúp thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc, lợi tiểu, trừ phiền nhiệt, được sử dụng nhiều trong Đông y. Sau đây là một số tác dụng và bài thuốc chữa bệnh từ Đạm trúc diệp, hãy cùng tìm hiểu nhé!

Đạm trúc diệp – Dược liệu thanh nhiệt, giải độc,… 

Một số thông tin và tác dụng của dược liệu Đạm trúc diệp

Theo GV Cao đẳng Dược TPHCM: Đạm trúc diệp có tên khoa học là Folium Bamburae vulgaris, thuộc họ Poaceae (họ Lúa). Dược liệu còn có tên gọi khác là Trúc diệp, Trúc diệp mạch đồng, Sơn kê mễ, Toái cốt tử, Mễ thân thảo, Cỏ lá trẻ, … Đây là một lại cây cỏ sống lâu năm, mọc tự nhiên ở khắp nơi, chủ yếu là những vùng rừng thưa và đồi cỏ, đất ẩm màu mỡ. Bộ phận dùng làm dược liệu là thân và lá cây.

Đạm trúc diệp có đặc điểm thực vật gồm:

  • Thân hình trụ cao từ 0.6 – 1.5m, có đốt rỗng ở giữa, mặt ngoài màu lục vàng.
  • Lá hình mác dài nhọn, mặt trên ít lông, mặt dưới nhẵn, gân chính chạy song song, cuống lá gầy tiếp liền với bẹ dài. Bẹ lá ở các đốt nở tách ra, ôm lấy thân.
  • Rễ phình thành củ, hình chùm nhiều nhánh.
  • Hoa lưỡng tính, mọc thành cụm bông (chuỳ), thưa dài 10 – 30cm, hình mũi mác. Thường nở từ tháng 3 – 11.
  • Quả thon dài khoảng 4mm, thường ra từ tháng 4 – 8.

Trong Đạm trúc diệp có chứa các hoạt chất: Arundoin, Acid hữu cơ, Cyulindrin, Đường, … và được sử dụng trong các bài thuốc dân gian, y học cổ truyền mang lại hiệu quả tích cực trong việc chữa bệnh. Bởi:

Theo Y học cổ truyền, Đạm trúc diệp là dược liệu có: Vị hơi ngọt, tính hàn; quy kinh vào kinh tâm, tiểu trường; có công dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, giải độc, trừ phiền, giảm sốt, lợi tiểu và được chủ trị chữa các bệnh: Khô họng, viêm họng, sốt, khát, tiểu rắt, tiểu khó, tiểu ra máu, …

Một số bài thuốc chữa bệnh “bất hủ” từ Đạm trúc diệp

Các bài thuốc hay chữa bệnh “bất hủ” từ dược liệu Đạm trúc diệp

Dược liệu Đạm trúc diệp thường rất ít khi được dùng đơn lẻ mà sẽ thường kết hợp với nhiều vị thuốc khác nhau để mang đến hiệu quả cao hơn. Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu Đạm trúc diệp trong các bài thuốc Đông y, hãy cùng tham khảo nhé!

Bài thuốc chữa các chứng nhiệt, sốt, toát mồ hôi, hư nhược

Nguyên liệu:

  • Đạm trúc diệp và nhân sâm: mỗi vị 12g.
  • Bán hạ và mạch đông: mỗi vị 16g.
  • Ngạnh mễ: 32g.
  • Thạch cao: 24g.
  • Cam thảo: 6g.

Thực hiện: Đem sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng một thang.

Bài thuốc chữa sốt nóng, khát nước, ra nhiều mồ hôi

Nguyên liệu: 20g Cát căn và mỗi vị 12g gồm: Đạm trúc diệp, Thạch cao.

Thực hiện: Đem sắc lấy nước uống, một ngày/một thang và chia làm 2 lần uống.

Bài thuốc chữa phiền nhiệt, hỏa bốc, nước tiểu đỏ

Nguyên liệu:

  • Mỗi vị 10g gồm: Đạm trúc diệp, Hoàng bá, Hoàng cầm, Chi tử.
  • Mỗi vị 5g gồm: Hoàng liên, Cam thảo.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống, một ngày/một thang.

Bài thuốc chữa viêm họng, sốt cao, sợ lạnh, đau đầu

Nguyên liệu:

  • Mỗi vị 12g gồm: Đạm trúc diệp, Sơn chi và Cát cánh.
  • Mỗi vị 8g gồm: Bạc hà và liên kiều.
  • 3 củ Thông bạch.
  • 16g Đạm đậu xị.
  • 6g Cam thảo.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống, một ngày/một thang.

Bài thuốc chữa thấp nhiệt, mê man, nói nhảm

Nguyên liệu:

  • Mỗi vị 12g gồm: Đạm trúc diệp tươi, Phục linh.
  • Mỗi vị 24g gồm: Ý dĩ và Hoạt thạch.
  • Mỗi vị 8g gồm: Bạch đấu khấu nhân và Liên kiều.
  • 6g Thông thảo.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống, một ngày/một thang.

Bài thuốc chữa viêm niệu đạo tiểu tiện ngắn đỏ, tiểu buốt, tiểu dắt

Dùng 20g Đạm trúc diệp, 6g Sinh cam thảo và mỗi vị 10g gồm: Hoàng bá, Thông thảo và Thiên hoa phấn. Đem sắc lấy nước uống, một ngày/một thang và uống 3 – 4 lần.

Hoặc

Dùng 20g Đạm trúc diệp, 12g Kim ngân hoa, 10g Mộc thông và 10g Sinh địa. Sắc lấy nước uống, một ngày/một thang.

Bài thuốc chữa bị ngộ độc do ăn uống

Nguyên liệu: Mỗi vị 10g gồm: Đạm trúc diệp tươi, Lá găng trắng, Lá đơn răng cưa và Lá thường sơn.

Thực hiện: Dùng các dược liệu còn tươi, đem giã nát và thêm ít nước sôi, lọc lấy nước uống. Một ngày/3 lần.

Bài thuốc chữa ho, sốt, viêm đường hô hấp

Nguyên liệu:

  • Mỗi vị 8g gồm: Trúc diệp, Kinh giới, Bạc hà.
  • Mỗi vị 12g gồm: Liên kiều, Ngưu bàng tử, Kim ngân hoa, Đạm đậu xị.
  • 8 – 12g Cát cánh và 4g Cam thảo.

Thực hiện: Sắc lấy nước uống, một ngày/một thang.

Lưu ý:

  • Đạm trúc diệp có tính hàn nên những người không thấp nhiệt thì không nên dùng dược liệu này.
  • Đạm trúc diệp có thể làm tăng lượng đường trong máu, người bị tiểu đường nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.
  • Đạm trúc diệp có thể gây sinh non hoặc sẩy thai, phụ nữ có thai không nên sử dụng.

Thông tin bài viết được Phòng truyền thông Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổng hợp và chia sẻ, chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn đọc cần phải tham khảo ý kiến của các Y Bác sĩ trước khi sử dụng, không nên tự ý áp dụng để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của bản thân.

Nguồn: thuocbac.edu.vn