Cây nhàu – Thảo dược trị bệnh quý dành cho sức khoẻ

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Cây nhàu là một vị thuốc quý, một loại thảo dược trị bệnh với hầu hết tất cả bộ phận của cây đều có thể chế biến thành thuốc được sử dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền để hỗ trợ điều trị bệnh và cải thiện sức khoẻ.

Cây nhàu – Thảo dược trị bệnh quý dành cho sức khoẻ

Một số thông tin về cây nhàu

Theo cho biết của Giảng viên Cao đẳng Dược TPHCM: Cây nhàu có tên khoa học là Morinda Citrifolia, thuộc họ Rubiaceae (cà phê), còn có tên gọi khác là cây ngao, nhàu núi, nhàu rừng, … Đây là một loại cây thuộc cây thân gỗ, có chiều cao từ 4 – 8 mét, thân nhẵn, thường mọc và phát triển chủ yếu ở vùng khí hậu nhiệt đới và ôn đới, tại nơi có môi trường ẩm thấp, tại Việt Nam cây nhàu tập trung nhiều nhất là ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Thân cây nhàu sẽ có màu xanh lục hoặc nâu nhạt, tuỳ vào độ tuổi của cây.

Cây nhàu có nhiều cành to, phân nhánh thành nhiều tán nhỏ có 4 cạnh tương đối rõ ràng. Lá mọc đối xứng, hình bầu dục rộng nhọn ở đầu và có góc ở gốc, dài từ 12 – 30 cm và rộng từ 6 – 15 cm. Mặt lá phía trên có màu xanh đậm, bóng loáng, dạng mạng và có nhiều gân lông chim; mặt dưới của lá có các gân nổi. Hoa câu nhàu có màu trắng, mọc từng cụm, phần đầu hoa có hình tròn từ 5 – 6 cánh, mọc quanh trục hoa có đường kính từ 2 – 4 cm và thường nở rộ vào tháng 1 – 2.

Quả nhàu có hình trứng, xù xì là sự kết hợp của phần đầu noãn và thân lá, có chiều dài từ 5 – 6 cm, đường kính từ 3 – 4 cm. Bề ngoài quả nhàu có nhiều mắt, mỗi mắt tương ứng với phần hoa đã mọc ra trước đó. Quả nhàu khi còn non có màu xanh nhạt, khi chín có màu vàng lục nhạt, bóng, dính với nhau và có thể ăn được. Quả thường chín vào tháng 7 – 8. Ruột quả nhàu có một lớp cơn mềm, chính giữa có một nhân cứng dài khoảng 6 – 7 mm, rộng khoảng 4 – 5 mm và có 2 ngăn chứa một hạt nhỏ.

Quả hình trứng, xù xì, dài chừng 5-6cm; gồm nhiều quả mọng nhỏ, màu vàng lục nhạt, bóng, dính với nhau. Quả chín vào tháng 7-8. Ruột quả có một lớp cơm mềm, chính giữa có một nhân cứng. Nhân dài chừng 6-7mm, ngang chừng 4-5mm, có 2 ngăn chứa 1 hạt nhỏ, hình bàu dục, phần đầu nhọn và có màu nâu đen.

Rễ cây nhàu thuộc loại rễ cọc, mọc sâu xuống lòng đất, có thể thu hoạch được nhiều vào mùa đông.

Tác dụng chữa bệnh của các bộ phận từ cây nhàu

Cây nhàu là một vị thảo dược trị bệnh có thể thu hái và sử dụng tất cả các bộ phận như lá, quả, rễ, vỏ cây để làm thuốc. Có thể dùng khi còn tươi hoặc đem phơi khô rồi bảo quản dùng dần, có thể tăng cường chức năng xương khớp, kiểm soát, cân bằng huyết áp. Cụ thể:

  • Lá nhàu: Có thể dùng để chữa tiêu chảy, lỵ và cảm sốt. Có thể dùng lá nhàu giã nát đắp vào các vết thương hỗ trợ giảm đau nhức, nhanh chóng lên da non, mau lành vết thương. Ngoài ra, lá nhàu còn có thể nấu canh hoặc hầm với lươn còn có tác dụng dưỡng thận.
  • Vỏ cây nhàu: Sắc nước uống rất tốt cho phụ nữ sau sinh.
  • Rễ cây nhàu: Có thể chữa đau nhức xương khớp, đau lưng và cao huyết áp.
  • Quả nhàu: Giúp nhuận tràng, dễ tiêu hoá, điều hoà kinh nguyệt, trị băng huyết, đau gân xương. Quả nhàu đem nướng chín còn có thể chữa bệnh lỵ, đái tháo đường, ho hen, cảm, phù thũng, …

Tổng hợp một số bài thuốc hay chữa bệnh từ cây nhàu

Một số bài thuốc hay từ cây nhàu

Bài thuốc chữa tăng huyết áp: Dùng 30 – 40g rễ nhàu khô sắc lấy nước uống hằng ngày, liên tục trong 15 ngày (1 liệu trình), ngưng 1 tuần và tuỳ theo mức độ huyết áp mà có thể dùng tiếp liệu trình và giảm liều. Có thể nấu thành cao lỏng và dùng dần.

Bài thuốc chữa đau nhức xương khớp, đau lưng: Thái nhờ 100g rễ nhàu hoặc quả nhàu non, ngâm với 800 ml rượu, chiết lấy dịch ngâm sau 3 – 4 tuần, thêm rượu chiết vài lần rồi gộp dịch chiết. Một ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 20ml, uống trước khi ăn.

Bài thuốc giúp kích thích tiêu hoá, đại tiện táo, lợi tiểu, điều kinh: Dùng 3 – 5 quả nhàu chín, ăn với muối.

Bài thuốc trị kiết lỵ: Dùng 3 quả nhàu già đem nướng chín và ăn hoặc dùng 12g lá nhàu với 10g cỏ sữa và sắc nước uống.

Bài thuốc trị ho ra máu: Dùng 40g rễ nhàu và mỗi vị 20g gồm thiên môn, mạch môn, bách bộ. Đem sắc với 900ml nước đến khi còn 450ml, chia thành 3 phần và uống trong ngày.

Bài thuốc trị mất ngủ, kinh nguyệt không đều, thống phong, khí hư bạch đới: Dùng 1kg quả nhàu chín, đem rửa sạch, xay nhuyền và ngâm với 200g đường cát, 1200ml rượu trong lọ thuỷ tinh đậy kín nắp. ủ trong 5 – 7 ngày và chắt lấy nước cốt uống. Một ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 5ml sau khi ăn (có thể pha loãng với nước ấm).

Bài thuốc hỗ trợ điều rị vết thương phần mềm (bong gân, trật khớp, bầm, sưng đau, tụ huyết): Dùng quả nhàu chín bẻ đôi và thoa trực tiếp lên vết bầm, sau đó bỏ hạt và giã nát rồi đắp vào nơi bị tổn thương, băng lại và một ngày thay thuốc 2 lần.

Các thông tin ở trên được Phòng truyền thông Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổng hợp và chia sẻ, chỉ mang tính chất tham khảo, hy vọng sẽ mang đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc!

Nguồn: thuocbac.edu.vn