Bài thuốc đông y giúp dưỡng âm và an thần từ đại táo

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (1 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Đại táo còn gọi táo đen, táo đỏ, táo tàu, trị tỳ vị hư nhược, khí huyết hư, tân dịch bất túc, ăn kém chậm tiêu, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ…

Đông y cho rằng: Ngủ là gốc của phần âm do thần làm chủ. Khi thần yên thì ngủ được, thần không yên thì ngủ kém hoặc ngủ lơ mơ.

Sở dĩ thần không yên là do tà khí bên ngoài xâm nhập tâm hoặc do ăn uống quá mức sinh ra đờm hỏa đọng lại trong tâm quấy nhiễu, hay do dinh khí không đủ để nuôi dưỡng âm huyết. Những nguyên nhân ấy sinh ra chứng mất ngủ.

Bác sĩ Y học cổ truyền Sài Gòn chia sẻ, đại táo có vị ngọt, tính ôn vào tỳ, vị. Công năng bổ khí kiện tỳ, hoà vị sinh tân dịch, điều hòa các thứ thuốc. Trị tỳ vị hư nhược, khí huyết hư, tân dịch bất túc, ăn kém chậm tiêu, hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ… Liều dùng 10 – 30g, có thể dùng đến 63 – 125g/ngày. Nên thái lát hoặc xé nát thịt quả trước khi sắc hoặc ngâm rượu. Đại táo cũng như cam thảo là những vị thuốc hỗ trợ điều hoà của y học cổ truyền, vì vậy, có mặt trong rất nhiều bài thuốc và dược thiện.

Kiện tỳ, cầm tiêu chảy

Dùng bài “Bánh ích tỳ” sử dụng các nguyên liệu sau đây: gừng khô 100g, kê nội kim 100g, bạch truật 100g, đại táo nhục 200g, hấp chín. 3 vị kê nội kim, bạch truật, gừng khô sao, nghiền thành bột, thêm táo nhục, giã nát làm bánh, sấy khô. Mỗi lần dùng 12g, ngày 2 lần, ăn khi đói. Trị tỳ hư tiêu chảy, tiêu hóa khó.

Bổ huyết, cầm máu: Theo Y học cổ truyền bài thuốc bổ huyết cầm máu được dùng trong trường hợp giảm tiểu cầu hoặc dị ứng mẩn tím đỏ.

Bài 1: đại táo 63g, lá sen nửa cái. Sắc uống. Trị giảm tiểu cầu máu.

Bài 2: đại táo 50g, cam thảo 6g. Trị chứng dị ứng nổi mẩn tím đỏ.

Dưỡng tâm, an thần

Thang cam mạch đại táo: phù tiểu mạch 24g, cam thảo 12g, đại táo 20g. Sắc uống. Bài thuốc dùng trong trường hợp lo lắng, mất ngủ, tự ra mồ hôi, tinh thần thất thường (thần kinh suy nhược).

Một số món ăn bài thuốc có đại táo

Cơm nếp hấp nhân sâm, đại táo: đại táo 20g, nhân sâm 6g, gạo nếp 80g. Hãm nhân sâm và đại táo trong nước sôi khoảng 30 phút, gạn lấy nước nấu cơm, nhân sâm và đại táo để riêng. Cơm chín, đơm lên đĩa, đặt nhân sâm và đại táo lên trên. Dùng cho những người khí hư, cơ thể suy nhược, ăn kém chậm tiêu.

Cháo đại táo: Trong Đông Y sử dụng đại táo 7 quả, gạo nếp 60g. Xé hoặc cắt quả đại táo, nấu lấy nước, bỏ bã. Gạo nếp vo sạch nấu cháo, cháo chín, cho nước đại táo khuấy đều, đun sôi là được. Dùng tốt cho người bệnh trúng phong, bại liệt, kinh giật.

Gà hầm đại táo, nấm hương: đại táo 20g, nấm hương 20g, gà 1 con nhỏ, ít tinh bột ướt. Thịt gà làm sạch chặt miếng, đại táo bỏ hạt, nấm hương ngâm mềm. Tất cả cho vào nồi, thêm gia vị (dấm, tương, muối, đường, bột ngọt, hành, rượu, tinh bột ướt) đảo đều, chưng cách thủy khoảng 15 phút. Món này thích hợp cho người thiếu máu, ăn kém, chậm tiêu.

Đại táo đậu phộng ướp đường phèn: đại táo, đậu phộng (lạc nhân), đường phèn mỗi thứ đều 30g. Trước tiên, cho lạc nhân (để cả áo vỏ) vào nồi với một lượng nước vừa đủ nấu chín, cho tiếp đại táo và đường phèn vào đảo đều, nấu tiếp trong vài phút. Ăn trước khi đi ngủ. Món này rất tốt cho người bệnh viêm gan có các men SGOT, SGPT tăng.

Bác sĩ giảng viên Trung cấp Y học cổ truyền chia sẻ, ngoài việc áp dụng những bài thuốc Đông Y trên để dưỡng tâm, an thần bệnh nhân có thể áp dụng một số món ăn có đại táo để tăng cường sức khỏe.