Hoàng cầm: Công dụng và ứng dụng trong điều trị bệnh

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (3 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Hoàng cầm là một vị thuốc – dược liệu có nhiều tác dụng trong chữa trị một số căn bệnh, triệu chứng hay các vấn đề về sức khoẻ. Vậy Hoàng cầm là gì? Hoàng cầm có những công dụng chữa bệnh gì? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Hoàng cầm – vị thuốc có tác dụng chữa trị nhiều bệnh khác nhau

Một số thông tin về Hoàng cầm

Hoàng cầm hay còn có tên gọi khác là Hủ trường, Không trường, Túc cầm, Kim cầm, Đỗ phụ, Hoàng văn, … Dược liệu là rễ khô của cây Hoàng cầm, có tên khoa học là Scutellaria baicalensis Georg thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Tên gọi Hoàng cầm có ý nghĩa: Hoàng là vàng, cầm là kiềm (màu vàng sẫm), khi phơi khô ruột xốp nhẹ nên gọi tên là Nội hư, Hủ trường, Khô trường, Khô cầm, …

Hoàng cầm là loại cây thuộc họ cây cỏ sống dai, có chiều cao từ 20 – 50cm, thân mọc đứng, hình vuông và phân nhánh; vỏ thân thường nhẵn hoặc có lông ngắn; rễ phình to thành hình quả chuỳ, mặt ngoài có màu vàng sẫm, bên trong có màu vàng nhạt hơn; lá mọc đối nhau, cuống lá rất ngắn hoặc không có, phiến là hình mác hẹp có gợn sóng, đầu phiến lá hơi tù, mép lá phẳng có độ dài từ 1.5 – 4cm, rộng từ 3 – 8mm hoặc 1cm; mặt trên có màu xanh sẫm, mặt dưới có màu xanh nhạt. Hoa mọc thành hai bông ở đâu cành, màu lam tím, cánh hoa gồm 2 môi và 4 nhị màu vàng, bầu hoa có 4 ngăn.

Bộ phần dược liệu được dùng làm thuốc là rễ của Hoàng cầm. Rễ Hoàng cầm có 2 loại: 01 loại sử dụng được là loại bên trong cứng, bẻ ra đầy, chắc mịn có màu vàng bên ngoài và màu xanh bên trong, thịt đầy rỗng hoặc ít ruột là loại tốt. Loại còn lại là không sử dụng được nếu bên trong lỗi có khe màu đen, không thể dùng làm thuốc.

Theo GV Cao đẳng Dược TPHCM cho biết, Hoàng cầm có:

Tính vị:

  • Tính bình, vị đắng (Bản kinh).
  • Tính rất hàn, không độc (Biệt lục).
  • Vị đắng, ngọt (Dược tính luận).
  • Tính hàn, vị đắng (Trung dược đại từ điển).
  • Tính lạnh, vị đắng (Trung dược học).

Quy kinh:

  • Vào kinh thủ Thái âm Phế, thủ Thiếu âm Tâm, thủ Thiếu dương Tam tiêu, túc Thái âm Tỳ, túc Thiếu dương Đởm.
  • Vào kinh Phế, Đại trường, Bàng quang, Đởm.
  • Vào kinh Phế, Tâm, Đại trường, Đởm.
  • Vào kinh Phế, Tâm, Can, Đại trường, Đởm.

Tác dụng:

  • Trục thủy, tiết lợi, hạ huyết bế.
  • Lợi tiểu trường, tiêu cốc, an tử huyết bế.
  • Trừ thấp nhiệt, chỉ huyết, tả thực hoả, an thai.
  • Hạ hành tả Bàng quang hỏa, Thượng hành tả phế hỏa, trừ lục kinh thực hỏa thực nhiệt, thanh thai nhiệt.
  • Tả phế hỏa, thanh thấp nhiệt.

Chủ trị:

  • An thai, trị ho do Phế nhiệt, đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ, hoàng đản, các loại bệnh nhiệt, ….
  • Nôn ra máu, chảy máu cam, huyết áp cao, thấp chẩn, trị ho do phế nhiệt, nhiễm trùng đường hô hấp trên, tiêu chảy, tiêu ra máu, Rong kinh, thai động không yên.

Công dụng và ứng dụng chữa bệnh lâm sàng của Hoàng cầm

Công dụng chữa bệnh của Hoàng cầm đối với sức khỏe

Hoàng cầm là một thảo dược trị bệnh với rất nhiều công dụng khác nhau như: Điều trị cho người mắc chứng cao huyết áp, điều hoà huyết áp ở mức ổn định, trấn an hoạt động tim mạch; Làm dãn mạch, lưu thông tuần hoàn máu, tốt cho hoạt động của hệ thần kinh; Điều trị các triệu chứng dị ứng, kháng khuẩn, điều hoà nhiệt độ, lợi tiểu và hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đưỡng rất hiệu quả.

Ngoài ra, Hoàng cầm có có một số tác dụng khác đến: Miễn dịch, chuyển hoá Lipid, tác dụng đối với mật, vết vị trường và hệ thần kinh trung ương, ….

Ứng dụng của hoàng cầm trong điều trị bệnh

Thông kinh mạch, điều hoà khí huyết: Dùng Hoàng cầm, Hoàng liên và Đại hoàng đem tán nhỏ, trộn với mật ong viên thành viên hoàn to bằng hạt đậu đen. Một ngày dùng 3 lần, mỗi lần dùng 5 – 7 viên, liên tục trong một tháng.

Trị mình nóng, miệng đắng, kiết lỵ, bụng đau, chất lưỡi hồng, mạch Huyền Sác: Dùng 12g Hoàng cầm và mỗi vị thuốc 8g gồm Cam thảo, Thược dược cùng 3 trái Đại táo. Sắc uống lấy nước uống trong ngày.

Trị nôn ra máu, chảy máu cam, lúc có lúc không, do tích nhiệt mà gây ra: Dùng 40g Hoàng cầm, bỏ ruột đen và tán bột. Mỗi lần uống 12g, sắc với một chén nước đến khi còn 6 phân, uống khi còn nóng.

Trị thương hàn, tiêu tích nhiệt, tả hỏa ở ngũ tạng: Dùng một lượng bằng nhau gồm các vị thuốc: Đại hoàng, Hoàng liên, Hoàng bá, chứng thành bánh với viên to bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng uống 20 – 30 viên với nước.

Trị trẻ nhỏ giật mình, kinh sợ, khóc đêm: Dùng một lượng bằng nhau gồm 2 vị thuốc Hoàng cầm và Nhân sâm, tán thành bột. Mỗi lần dùng 4g, uống với nước sắc Trúc diệp.

An thai, thanh nhiệt: Dùng một lượng bằng nhau gồm Điều cầm, Bạch truật đem sao và tán thành bột rồi trộn đều với nước cơm, viên hoàn to bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 50 viên với nước hoặc thêm Thần khúc. Hoặc có thể dùng bài Tứ vật bỏ Địa hoàng thêm Bạch truật, Hoàng cầm tán bột, uống rất tốt.

Trị rong kinh: Hoàng cầm tán bột, dùng 4g uống với Rượu tích lịch (dùng quả cần bằng Đồng đốt nóng rồi bỏ trong Rượu) để bổ huyết và cầm máu.

Trị đơn độc, hoả độc: Dùng Hoàng cầm tán bột, trộn với nước và đắp vào.

Trị trong Phế có hoả: Dùng phiến cầm sao, tán bột, trộn với nước và viên hoàn to bằng hạt ngô. Dùng 20 – 30 viên cho một lần, uống với nước.

Trị ho nhiệt do đàm ủng tắc: Dùng 18g Hoàng cầm, sắc lấy nước uống trong ngày.

Trị ho do phế nhiệt: Dùng mỗi vị 12g gồm Hoàng cầm, Liên kiều, Chi tử cùng mỗi vị 8g gồm Đại hoàng, Hạnh nhân, Chỉ xác và mỗi vị 4g gồm Cát cánh, Bạc hà, Cam thảo. Sắc lấy nước uống trong ngày.

Trị gan nóng sinh mờ mắt: Dùng 40g Hoàng cầm, 120g Đạm đậu xị tán thành bột. Mỗi lần dùng 12g, bọc trong gan heo và chứng chín. Ăn và uống với nước nóng, một ngày/2 lần. Khi dùng bài thuốc này cần kiêng rượu và miến.

Hoàng cầm tuy là một loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe nhưng khi dùng cần lưu ý với:

  • Người tỳ vị hư hàn không có thấp nhiệt, thực hỏa, phụ nữ thai hàn.
  • Người phế có hư nhiệt, tiêu chảy do hàn hoặc hạ tiêu có hàn.

 Thông tin bài viết được Phòng truyền thông Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur tổng hợp và chia sẻ, chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh trước khi sử dụng cần phải tham khảo ý kiến của các Y Bác sĩ để có tác dụng và hiệu quả chữa bệnh cao nhất.

Nguồn: thuocbac.edu.vn tổng hợp