Cây Anh túc – Vị thuốc từ loài cây cấm

1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars (2 votes, average: 5,00 out of 5)
Loading...

Nói tới cây Anh túc, một thứ cây đã bị cấm vì quá nhiều tác hại mang tới do bị lạm dụng, với những cái tên khác như A Phù dung, Anh túc, Thuốc phiện, … là một cây thuốc, tác dụng chữa bệnh rất tốt trong y học. Ngoài ra các bộ phận hoa, hạt, quả đã lấy nhựa,… cũng đều có tác dụng chữa bệnh.

Cây anh túc

Bạn hãy cùng tôi tìm hiểu về vị thuốc Anh túc xác này nhé!

Tên gọi khác:  Cây Thuốc phiện, A phiến; Phù dung; Anh túc xác; Ngự mễ xác,

Tên khoa học: Papaveris somniferum L.thuộc họ thuốc phiện (Papaveraceae)

Mô tả chung dược liệu

  1. Mô tả đặc điểm thực vật:
  • Anh túc là cây thân thảo, sống khoảng 2 năm. Thân cây màu lục, cao từ 1 – 1,6m.
  • Lá hình bầu dục, nhiều tua và mọc xung quanh thân cây.
  • Hoa to, đơn độc mọc ở ngọn thân và đầu cành, có màu trắng, tím hoặc đỏ vàng và thường nở vào tháng 3. Mùa hoa thường từ tháng 4 – 6
  • Quả loại nang hình cầu với chiều dài 5 – 7cm, đường kính 2 – 5cm. có khía dọc Quả này khi chín có màu vàng xám, cuống quả phình to ra, đỉnh còn núm hơi xòe ra.
  • Trong quả chín chứa nhiều hạt nhỏ hơi giống hình thận chứa từ 2-3 vạn hạt, trên mặt có vân hình mạng màu xám trắng hoặc xám đen. mặt ngoài quả có nhiều vết cắt ngang dọc do cách rạch lấy nhựa gây ra.
  •  Mùa quả từ tháng 6 đến tháng 8.
  • Quả sau khi phơi khô hay sấy khô gọi là anh túc xác.

Hoa và Quả Anh túc tươi

  1. Nguồn gốc, phân bố
  • Cây có từ Ấn Độ, Hy Lạp, và một số nước Trung Á. Là cây ưa sống ở vùng núi cao. Ngoài ra, tại một số nước khác cũng được trồng như: Nga, Ấn Độ, Nam Tư, Bungaria, Trung Quốc, …
  • Đã có khoảng vài chục năm trước, cây được trồng khá phổ biến ở các vùng núi phía Bắc nước ta như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu,….
  • Tuy nhiên nó là một thứ cây đã bị cấm tự trồng vì quá nhiều tác hại mang tới, việc tự ý trồng cây cây này là vi phạm pháp luật tại nước ta và nhiều nước trên thế giới.

Thu hái, chế biến:

* Thu hái: Thường thu hoạch loại cây này vào tháng 4 – 5, khi tiết trời khô ráo.

* Chế biến

Quả thuốc phiện sau khi chín được thu hái về, lấy hạt và nhựa, gân màng ra, giữ lại phần vỏ quả, sau đó phơi hay sấy khô, bào chế thành các dạng bột, cao, cồn thuốc.

Bộ phận dùng

  • Các bộ phận dùng làm thuốc trên cây Anh túc:  hoa, quả, hạt và cả ngọn non của cây cũng đều  được sử dụng.
  • Nói tới Anh túc xác, thì chúng ta hiểu đó là vỏ quả khô đã được lấy đi hết nhựa.

Thành phần hóa học

  • Trong Anh túc có khá nhiều chất, nhưng trong đó được chiết tách và ứng dụng nhiều nhất trong Y học có 2 chất là Morphin và Codein.
  • Ngoài ra, Trong Anh túc còn có acid meconic, acid tactric, acid citric, nacotin, papaverin, …

Tác dụng dược lý

Theo sách “Trung dược học”, Đây là vị thuốc này có rất nhiều tác dụng sau:

– Tác dụng giảm đau:

Đây là một tác dụng nổi bật của Morphin và Codein ứng dụng vào trong Y học. Morphin có tác dụng giảm đau rất mạnh, nó không những làm dịu cơn đau mà nó còn giúp nâng ngưỡng chịu đau của bệnh nhân lên.

Morphin được sử dụng cho những bệnh nhân đau bậc 3, như những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Codein cũng có tác dụng giảm đau, nhưng mức độ của nó chỉ bằng khoảng ¼ so với Morphin. Đây là những chất này đều là chất gây nghiện, không nên lạm dụng nó.

– Tác dụng đối với hệ hô hấp:

Với tác dụng ức chế hệ hô hấp, nên các chất này được sử dụng để làm giảm các cơn ho và làm long đờm. Nhưng phải hết sức thận trọng khi sử dụng, vì dùng quá liều sẽ đưa đến việc thở khó khăn, có thể ngưng thở. Người ta thường dùng Codein nhiều hơn Morphin do tác dụng của nó mềm dịu hơn và ít tác dụng phụ hơn. Liều dùng trên hô hấp của morphin phải nhỏ hơn liều giảm đau để tránh suy hô hấp..

 – Tác dụng trên hệ tuần hoàn:

Morphin có tác dụng làm giãn mạch ngoại vi và giải phóng Histamin, và có thể gây ra huyết áp thấp. Vì vậy phải hết sức thận trọng đối với những người bị thiếu máu, huyết áp thấp khi dùng

– Tác dụng trên hệ sinh dục niệu:

Morphin có tác dụng làm gia tăng trương lực ở đường tiểu và bàng quang.

– Tác dụng trên hệ tiêu hóa:

Ở liều rất thấp, hoạt chất Morphin có thể gây táo bón do nó làm tăng trương lực cơ, đồng thời làm giảm co bóp làm thúc đẩy cơ ở thành ruột. đồng thời làm giảm dịch nội tiết tiêu hóa.

– Tác dụng an thần gây ngủ

Cả Codein và Morphin đều có tác dụng gây ngủ nhẹ.

Công dụng của vị thuốc Anh túc

 Theo cho biết của GV Nguyễn Quốc Trung – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur:Trong Đông y, Anh túc có vị chua, tính sáp, nó là một vị thuốc cố sáp được ứng dụng để trị một số triệu chứng hay bệnh như:

– Cầm tiêu chảy hay kiết lỵ.

– Chữa trị ho, ho lâu ngày trong lao phổi, hen suyễn.

– Chữa trị di tinh.

– Chữa trị trẻ em bị đi lỵ, không muốn ăn uống…

– Chữa cầm không cho ruột xuất huyết, lòi dom.

Quả anh túc xác với những công dụng

Môt số bài thuốc hay

1.Chữa trị ho lâu ngày

  • Anh túc xác đem nướng mật, tán nhuyễn.
  • Uống 2gr pha với nước pha mật mỗi ngày.

2.Chữa trị hen suyễn, lao, ho lâu năm, mồ hôi tự ra

  • Anh túc xác sao với giấm 100gr, Ô mai 20gr.
  • Cả 2 đem tán bột, uống 8gr trước khi đi ngủ mỗi lần

3.Chữa trị lỵ lâu ngày

– Anh túc xác, nướng với giấm, tán bột, trộn với mật làm hoàn.

Uống 6 ~ 8g với nước sắc gừng ấm/ngày (theo “Bản thảo cương mục”)

– Anh túc xác 400g, chia làm 3 phần: 1 phần sao với giấm, 1 phần sao với mật ong, 1 phần để sống. Đem tán bột, trộn với mật làm viên hoàn. Uống 8 – 12g với nước cơm/ngày.

4.Chữa trị trẻ nhỏ bị thổ tả, không muốn ăn uống, bạch lỵ:

Anh túc xác 40g đem sao cùng với Trần bì, Kha tử  bỏ hạt đem nướng mỗi vị 40g; Sa nhân, Chích thảo mỗi vị 8g.Đem tất cả tán bột. uống 8 – 12g với nước cơm/ngày. (theo “Anh Túc Tán – Phổ Tế Phương”).

Liều dùng thông thường của cây anh túc

Cây thuốc phiện thường được dùng làm thuốc với liều lượng như sau:

– Anh túc xác (quả khô đã trích nhựa) dùng trong chữa trị ho lâu ngày, tiêu chảy lâu ngày với liều 3–6g/ ngày dưới dạng thuốc sắc, hoặc tán thành bột làm viên hoàn, viên nén.

– Nhựa anh túc (nhựa thuốc phiện) tác dụng giảm đau, chữa trị mất ngủ, ho lâu ngày, đau bụng tiêu chảy lâu ngày có liều dùng được tính theo hàm lượng morphin. Liều tối đa 0,02g/lần (tính theo morphin), liều tối đa 0,06g/24h (tính theo morphin).

– Hạt quả thuốc phiện dùng chữa trị táo bón, buồn nôn với liều khoảng 10–20g.

Tác dụng phụ

Khi sử dụng có thể gặp tác dụng phụ sau:

– Nôn mửa, Khô miệng, Ngứa,Táo bón

– Ảo giác,đau dạ dày, co đồng tử

Một số lưu ý khi sử dụng

Theo Ds.CKI. Nguyễn Quốc Trung- GV Bộ môn Cao đẳng Dược :

– Không được dùng dược liệu này để chữa tiêu chảy, kiết lỵ cấp tính do vi khuẩn hoặc do nhiễm độc thức ăn.

– Những bệnh nhân mới bị lỵ ho hay bị ho cũng không dùng loại dược liệu này.

– Anh túc xác còn chứa hàm lượng nhỏ morphin, nếu dùng lâu dài và liều lượng lượng có thể gây nghiện, muốn sử dụng phải có đơn của thầy thuốc kê và không được dùng quá 7 ngày theo qui định.

– Trẻ em dưới 5 tuổi (60 tháng) không được sử dụng vì dễ bị ức chế hô hấp, liệt hô hấp và tử vong.

– Việc sử dụng Anh túc xác cần tuân theo đúng qui chế Quản lý thuốc Gây nghiện, thuốc quản lý Đặc biệt theo Thông tư 20/2018 và Thông tư 19/2017 và có sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ, không được tự ý sử dụng.

Anh túc xác là một vị thuốc chữa bệnh, tác dụng của cây anh túc không thể chối bỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng loài dược liệu này hay chiết xuất của chúng để nghiên cứu, làm thuốc và chữa trị bệnh đều phải được quản lý chặt chẽ bởi các quy định hiện hành. Bạn không được tự ý sử dụng khi không có chỉ định từ Bác sĩ, Dược sĩ nhé./.

Ds.CKI. Nguyễn Quốc Trung