Theo Kiến thức Đông Y, tía tô ngoài dùng làm gia vị, chúng còn là vị thuốc hay được dùng để trừ cảm mạo và thuốc hạ khí, ngoài ra có thể làm thuốc an thai.
Thuốc an thai bổ dưỡng từ tía tô
Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens hay còn gọi là é tía, tử tô, xích tô (gọi là tử, xích tía vì cây có màu tím). Không chỉ là một loại rau thơm, tía tô còn được dân gian coi là thảo dược, là một trong số khoảng 8 loài cây thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae hay Labiatae). Tía tô vị cay, mùi thơm. Có 2 loại tía tô, đó là tía tô mép lá phẳng có màu tía nhạt, ít thơm; còn tía tô mép lá quăn màu tía sẫm, mùi thơm mạnh. Tía tô mép lá quăn có giá trị sử dụng làm thuốc hay hơn. Cây được trồng ở khắp nơi để làm thuốc và làm rau ăn.
Bộ phận dùng làm thuốc là quả chín phơi khô (tô tử – Fructus Perillae – dân gian gọi là hạt), lá (tô diệp – Folium Perillae), cành (tô ngạnh – Caulis Perillae).
Thành phần hóa học chính: tinh dầu, trong đó có perila aldehyd, limonen, trong hạt có dầu.
Tía tô rất tốt cho thai phụ trước và sau khi sinh
Người ốm nghén, thường bị nôn, chán ăn, người mệt mỏi, thèm ăn những thứ chua, chát…: tía tô 20g, ngải diệp 16g, bạch truật 16g, đương quy 16g, phòng sâm 12g, cẩu tích 12g, đỗ trọng 10g, sơn tra 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, liên kiều 12g, sinh khương 3 lát, đại táo 5 quả, cam thảo 12g, phục long can 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: an thai, bổ tỳ, hết nôn.
Thai phụ bị đau bụng, đau lưng, ra huyết: lá và cành tía tô 20g, bạch truật 16g, sa sâm 16g, ngải diệp 12g, a giao 6g, thục địa 16g, hoàng cầm 12g, gừng nướng cháy 6g, đỗ trọng 10g, đương quy 12g, bạch thược 12g, cam thảo 10g, phục long can 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng 7 – 10 ngày liền. Công dụng: an thai, nhuận huyết, chỉ huyết.
Nhiệt thai: thường thấy bị nóng trong bụng, cồn cào, nước tiểu đỏ lượng ít, ăn uống kém, sưng đau lợi răng, táo bón, tiêu hóa không thông lợi: dùng đương quy 16g, lá và cành tía tô 16g, bạch truật 12g, chi tử 12g, liên kiều 16g, hoàng cầm 10g, đỗ trọng 10g, ngân hoa 10g, rau má 20g, a giao 6g, thục địa 12g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, khởi tử 12g. Sắc uống ngày 1 thang. 7 – 8 ngày là một liệu trình.
Thai phụ bị phù nề, tiểu ít, tê bì hai chi dưới: tía tô 16g, bạch truật 16g, ngũ gia bì 16g, ngải diệp 12g, cao lương khương 10g, thăng ma 10g, sài hồ 12g, trần bì 12g, xa tiền 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 12g, hương nhu trắng 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: bổ trung, bổ tỳ, thuận khí, thông tiểu.
Thai phụ bị ho hen, nhiều đờm, khó thở: tía tô 16g, cát cánh 16g, kinh giới 12g, trần bì 10g, mơ muối 10g, rau tần dày lá 12g, cam thảo 12g, lá xương sông 12g, tang bạch bì 10g, bối mẫu 10g, bạch linh 10g, bạch quả 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng: thanh phế, trừ phong, tiêu đờm, giảm ho.
Có thai bị cảm mạo: tía tô, kinh giới, mỗi thứ 1 nắm lá cho 2 bát nước sắc còn 1 bát uống ấm. Tiếp đó cho ăn cháo nóng, đập vào bát 1 quả trứng gà tươi (có trứng gà đen càng tốt).
Những tác dụng khác của tía tô
– Xông: lấy lá tía tô cùng các lá thơm khác tạo thành nồi lá xông và lau rửa. Nếu lá được rửa sạch kỹ thì có thể lấy ra một bát để uống trước hay sau khi xông. Xông xong lau khô mồ hôi cả người đắp chăn nằm nghỉ. Nhớ nước sôi mới cho lá xông vào nồi – đậy vung kín và khi xông mở vung. Cần chú ý kẻo bỏng và chỉ xông cho người lớn ngồi vững trong chăn. Rất thận trọng với người già gầy yếu và trẻ em.
– Cháo tía tô: nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá tía tô non thái chỉ. Ăn nóng. Có thể thêm hành lá tươi thái nhỏ. Có cho trứng vào hay không hiện nay còn 2 ý kiến trái ngược nhau có và không. Xông xong nằm nghỉ một lúc dậy ăn bát cháo giải cảm này là phương pháp giải cảm lạnh dân gian rất có hiệu nghiệm.
– Dùng thuốc sắc uống “Hương tô tán”: chữa cảm mạo phong hàn, sốt, gai rét, đau đầu, tức ngực. Lá tía tô 8g, hương phụ 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Gừng 2 lát, sắc nước uống. Có thể kết hợp “nồi xông”.
Chữa ho, hen, đàm suyễn tức ngực, khó thở: tía tô bổ hư, giáng khí dùng cho trường hợp khó thở ở trẻ em, người già, người có thai vừa hiệu quả, vừa an toàn.
Do ngoại cảm phong hàn: có viêm đường hô hấp dùng bài Tam tử dưỡng thân thang: tổ tử (hạt tía tô) 6 – 12g, la bạc tử (hạt cải củ) 8 – 12g, bạch giới tử – 8g (hạt cải bẹ trắng). Sắc uống ngày 1 thang.
Thương hàn ho suyễn: 1 nắm lá tía tô nấu nước uống dần là dứt cơn suyễn (Thiên kim phương).
Người lớn tuổi hay thở suyễn, đuối hơi: hạt tía tô 1 lạng, sao qua tán bột, đổ 2 bát nước vào quấy đều, lọc bỏ bã. Nấu cháo ăn lúc đói ( Nam dược thần hiệu).
Trẻ em ho nhiều thở gấp, mặt tím tái: hạt tía tô 20g tán thành bột, hòa với nước đun sôi để còn âm ấm, lọc bỏ bã cho uống. Cẩn thận hơn thì cho bột vào túi vải hãm vào nước sôi. Hoặc lấy bột này hòa vào cháo, hãm vào nước sôi hoặc hòa vào nước cơm cho trẻ uống.
Ngộ độc thức ăn: đau bụng đi ngoài, nôn mửa do ăn các loại thức ăn như cua, cá.
Lá tía tô đủ dùng, giã lấy nước cốt để uống: Nếu có ngứa nổi mẩn (dị ứng) thì lấy bã đã sắc hoặc lá tươi xoa sát. Hoặc tử tô giải độc thang: lá tía tô 10g, gừng tươi 8g, sinh cam thảo 2g. Nước 600ml sắc còn 200ml chia 2 – 3 lần trong ngày, uống nóng.
Theo sức khỏe đời sống