Rau dền – Vị thuốc quý của người Việt Nam
Rau dền có nhiều loại: dền tía, dền gai, dền cơm… Tùy từng loại rau dền mà có những bài thuốc quý khác nhau, đem lại giá trị về sức khỏe cho người sử dụng.
Rau dền đỏ
Cây dền tía
Cây dền tía có lá lớn có màu đỏ tía. Nó có mặt ngày càng nhiều trên các vùng châu lục, trên các cánh đồng hàng trăm hecta. Ở Mỹ có hàng nghìn điền chủ trồng cây dền. Thân và lá thường làm thức ăn luộc, nấu canh. Ở Mỹ, rau dền là một trong 40 loại thức ăn kiêng thông dụng.
Dền tía làm thuốc có vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt lương huyết, lợi tiểu, sát trùng, trị nọc ong, rắn, rết, dị ứng mẩn ngứa, kiết lỵ, viêm gan vàng da. Đắp ngoài chữa sơn ta ăn mặt. Rau dền tía có nước; protein; không chất béo; chứa glucid; xenluloza; khoáng toàn phần, Ca, P, Caroten, vitamin B1, B2, PP, C và gần 10 axit amin cần thiết đặc biệt có lyzin, methionin, histidin, arginin…
Hạt dền tía có giá trị dinh dưỡng cao, nhất là dền Cu-ba 16-18% protid, 62% tinh bột, 6% chất béo. Hạt rau dền tía được xem là một loại lương thực giá trị cao hơn lúa mỳ, gạo, ngô, đậu tương. Nhân hạt có hương vị như hạt bồ đào, cho thêm vào bột mỳ làm tăng lượng bánh và ngon hơn, bổ hơn. Đặc biệt hạt có lysin là axit amin quan trọng mà cơ thể không tạo ra được. Hạt dền ép dầu làm nguyên liệu sản xuất steroit làm thuốc chống viêm.
Rễ rau dền tía: được coi là thảo dược quý trị bệnh xuất huyết, nôn, ra máu, sẩy thai… Các nhà khoa học Nhật dùng các sản phẩm của rau dền tía để tẩy rửa chất phóng xạ (dầu hạt dền). Từ hàng chục năm nay tổ chức lương thực và nông nghiệp thế giới (FAO) đã khẳng định vị trí vai trò của rau dền tía trong kinh tế phụ gia đình, khuyến khích phát triển cây dền tía trên nhiều nước.
Rau dền tía
Rau dền cơm:
Dền cơm có lá nhỏ, màu xanh, có nơi gọi rau dền trắng. Ở nước ta, rau dền cơm mọc hoang hoặc được trồng trong vườn, trên nương rẫy. Rau dền cơm chứa nhiều nước; protein; glucid; chất xơ; caroten; vitamin C; B2; PP. Dền cơm luộc, xào, nấu canh ngọt hơn dền tía. Để làm thuốc, dùng hạt dền cơm, có vị ngọt tính lạnh, công dụng mát gan, trừ phong nhiệt. Dùng chữa các chứng bệnh:
Chữa mắt kém: Bột hạt dền cơm uống với nước sắc hạt muồng ngủ (thảo quyết minh) 12g làm thang.
Lợi tiểu: hạt dền cơm 20g sắc uống. Hạt dền còn có ích cho khí lực, thông đại tiểu tiện, trừ giun đũa.
Rau dền gai:
Dềm gai mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Lá nấu canh hoặc dùng như các rau dền khác, thêm tôm hoặc thịt. Rau dền gai luộc chấm vừng, cũng là món ăn dưỡng sinh, ngon bổ, phòng chữa được các bệnh đường ruột. Rau dền gai chứa nhiều nước; có protein; glucid; xenluloza; khoáng toàn phần; caroten; vitamin C; canxi, P. Toàn cây chứa nhiều muối kali nên lợi tiểu, chữa sốt. Lá dền gai, giã nát, thêm nước, chắt nước uống, bã đắp, chữa rết cắn, ong đốt, lở ngứa. Do có khả năng diệt khuẩn, nên rau dền gai được xem là vị thuốc quý dùng để phòng chống thương hàn và chữa trị bệnh kiết lỵ, viêm ruột rất hiệu quả.
Lá rau dền gai chữa viêm phổi, lỵ: lá giã nát đắp chữa bỏng, nhọt thúc mưng mủ; sắc uống cùng một số vị khác chữa đau sưng khớp.
Rễ rau dền gai: có vị ngọt, hơi lạnh. Rễ dền gai được dùng làm thuốc chữa các chứng bệnh:
.Chữa bạch đới, khí hư: rễ dền gai 20g, lá bạc thau 16g phơi khô thái nhỏ sắc với 400ml nước, sắc còn 100ml. Uống 2 lần trong ngày.
Rau dền cơm
. Chữa kiết lỵ ra máu: rễ dền gai 20g, lá huyết dụ 12g, lá trắc bá 8g, hoa hòe 4g. Tất cả thái nhỏ sao vàng, sắc uống. Có thể dùng thêm cỏ nhọ nồi 8g, hoa hòe 4g. Tất cả thái nhỏ sao vàng, sắc uống. Hoặc dùng thêm cỏ nhọ nồi 8g sao đen, bách thảo sương (muội nồi) 9g. Trong một hai ngày đầu mới nhiễm bệnh, lúc đi tiêu hoặc sau khi đi tiêu, hậu môn có cảm giác nóng ran, có thể lấy rau dền gai tươi nửa cân (dùng cả nhánh, lá và rễ) bỏ vào nước đun trong lửa nhỏ 3 đến 4 tiếng đồng hồ rồi dùng để uống rất tốt. Nếu bệnh nhân là thanh niên có thể chất tốt thì lượng rau có thể dùng trên hai cân.
. Viêm ruột mạn tính, đầy bụng khó tiêu: lấy nhánh và gốc rễ của rau dền gai (8 lạng tươi hoặc 2 lạng khô) nấu chung với vài lạng thịt nạc ninh trên 4 tiếng đồng hồ để làm canh ăn.
Trong chăn nuôi rau dền gai làm tăng tiết sữa ở trâu bò đẻ.
Rau dền đuôi chồn:
Thường trồng lẫn rau dền canh. Phân biệt ở hoa tựa đuôi chồn và thân khỏe hơn.
Rau dền dầu:
Trồng ở vùng cao phía Bắc nước ta. Hạt ép dầu ăn. Ngọn và lá non đem xào luộc, nấu canh.