Rau má, rau sam hay rau hẹ là những loại rau phổ biến có ngay trong vườn nhà nhưng không phải ai cũng biết tác dụng chữa bệnh tuyệt vời từ những món ăn bài thuốc chế biến từ 3 loại rau này
3 loại rau ngon chữa bệnh có ngay trong vườn nhà
Rau má chữa lỵ, đau bụng kinh và trị rôm sảy
Theo Y học cổ truyền rau má có vị đắng, hơi cay, tính mát, thường dùng để chữa bệnh ở gan, thận và tỳ vị. Chúng có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc và tiêu thũng.
Chữa đi lỵ đau bụng do trúng thử: rau má khô 40 gam, mía đỏ lấy 2 lóng nướng lên tước bỏ vỏ, chẻ nhỏ và đun chín cả hai thức, chia hai lần uống trong ngày trước bữa ăn, uống liên tục trong vòng 7 ngày.
Trị phụ nữ đau bụng, đau lưng khi có kinh nguyệt: rau má đem phơi khô tán thành bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 15 gam cùng với nước đun sôi để ấm, dùng trước khi ăn sáng và ăn tối, uống liên tục trong 30 ngày.
Trị rôm sảy: rau má tươi rửa sạch cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, ngày uống 30 gam tươi, cho thêm chút đường để uống vào buổi trưa trước bữa ăn.
Rau sam
Rau sam chữa kiết lỵ và chứng bạch đới của phụ nữ
Theo Kiến thức Đông Y, rau sam có vị chua, tính mát dùng để chữa bệnh ở tim, tỳ vị và phổi. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát huyết tiêu độc, dùng trong điều trị các chứng bệnh kiết lỵ, táo bón, mụn nhọt, đinh độc, chứng bạch đới của phụ nữ, dùng lá tươi giã nhuyễn đắp ngoài để điều trị đinh độc.
Trị kiết lỵ: dùng rau sam khô 100 gam, cỏ sữa 100 gam sắc với 400ml nước còn lấy 250ml chia làm hai lần uống trong ngày trước khi ăn bữa sáng và bữa tối uống liên tục trong 5 ngày.
Trị chứng bạch đới của phụ nữ: rau sam tươi 500 gam giã nhuyễn cho 200ml nước đã đun sối vào quấy đều vắt lấy nước, sau đó cho 2 lòng trắng trứng gà vào, quấy đều đun sôi cho thêm ít muối, chia làm hai lần uống trong ngày, chỉ uống lúc đói.
Rau hẹ
Rau hẹ (lá hẹ) chữa nhiệt lỵ, bổ thận tráng dương
Rau hẹ (lá hẹ) được Đông y gọi là cữu thái: rau hẹ được trồng bốn mùa dùng làm gia vị cho một số món ăn như sủi cảo, trứng rán hoặc làm rau ăn. Rau hẹ có tác dụng tiêu thực, rất tốt cho người mắc chứng trào ngược… Lá hẹ có vị cay chua chát, tính ấm, không có độc, có tác dụng bổ dương, cố tinh, giáng khí tỳ vị và trừ nhiệt lỵ. Rau hẹ là vị thuốc điều trị chứng thượng phong hay chứng hạ mã của nam giới sau khi đã cấp cứu và rất có hiệu nghiệm. Dùng lá hẹ làm thuốc: lá hẹ sau khi thu hái về rửa sạch, có thể dùng sống hoặc phơi khô.
Trị chứng thượng phong hoặc hạ mã: dùng lá hẹ tươi 30 gam, nếu lá hẹ khô 15 gam.
Trị chứng nhiệt lỵ: lá hẹ tươi 20 gam, lá mơ tam thể 15 gam, dùng trứng gà 1 quả quấy đều cho thêm một tí muối chưng lên, ngày ăn 2 lần, ăn liên tục trong 5 ngày.
Bổ thận tráng dương sau khi mắc chứng thượng phong hay hạ mã: dùng bầu dục lợn 2 quả, lá hẹ tươi 100 gam, băm nhỏ rồi rán chín, ăn chúng vào buổi tối trước khi ăn cơm, uống kèm với một ly rượu 20ml để bổ thận tráng dương.