Vị thuốc hoài sơn là thân rễ phơi hoặc sấy khô của cây Khoai mài, được sử dụng trong nhiều bài thuốc. Đây là một vị thuốc bổ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp điều trị chứng suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể, ăn uống kém, di tinh, bạch đới, thận hư và viêm phế quản mãn tính.
- Những công dụng hữu ích trong đông y của cây chùm ngây
- Thầy thuốc đông y chia sẻ những tác dụng trị bệnh từ vị thuốc Kỷ tử
- Cần lưu ý những gì khi sử dụng vị thuốc đông y Cam thảo?
Củ hoài sơn (củ mài) là dược liệu quý, được dùng trong nhiều bài thuốc
- Tên gọi khác: Củ mài, Thự dự, Khoan mài, Sơn dược.
- Tên khoa học: Dioscorea opposita
- Tên dược: Rhizoma Dioscoreae/ Radix Dioscoreae Oppositae
- Họ: Củ nâu (danh pháp khoa học: Dioscoreaceae)
Những thông tin cần biết về vị thuốc Hoài sơn
Thảo dược trị bệnh Hoài sơn là thân rễ phơi hoặc sấy khô của cây Khoai mài (Dioscorea oppsita) hoặc cây Khoai mài (Dioscorea persimilis).
Đặc điểm thực vật
Cây dạng dây leo, thân nhẵn hơi có góc cạnh, mỗi cây có khoảng 1 – 2 rễ củ. Củ hoài sơn có hình trụ tròn hơi dẹt, dài khoảng 25 – 50cm, ăn sâu xuống đất.
Bộ phận dùng
Rễ củ của cây được dùng để làm thuốc.
Phân bố
Cây hoài sơn phân bố chủ yếu ở các nước Đông Á và Đông Nam Á. Ở nước ta, cây mọc nhiều ở tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh,…
Thu hái – sơ chế
Thu hoạch củ hoài sơn vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Sau khi thu hái về, đem rửa sạch đất cát, sau đó gọt vỏ và cho vào lò sấy diêm sinh trong 2 ngày đem rồi phơi khô là dùng được.
Tính vị
Vị ngọt, tính bình.
Quy kinh
Quy vào kinh Thận, Tỳ, Vị và Phế.
Thành phần hoá học
Ngoài tinh bột, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã lấy ra chất muxin là một loại protit nhớt, allantoin, axit amin, acginin và cholin. Ngoài ra còn có mantaza là mem tiêu hóa mantoza.
Về mặt thực phẩm, trong củ mài có chừng 63,25% chất bột, 0,45% chất béo, 6,75% chất protit. Gần đây người ta có tìm thấy trong một số giống Dioscorea chất saponin có nhân sterol.
Củ hoài sơn có tác dụng gì?
Theo giảng viên Trung cấp Y học cổ truyền chia sẻ, Hoài sơn có vị ngọt, tính bình, quy vào 4 kinh là: tỳ, vị, phế và thận. Một số tác dụng của hoài sơn được ứng dụng trong các bài thuốc Đông y là:
- Vị thuốc bổ, tăng cường sức khỏe cho người đang bị yếu, suy nhược cơ thể.
- Trị một số bệnh đường ruột như kiết lỵ, tiêu chảy dai dẳng không khỏi, tiêu chảy do viêm đại tràng.
- Sinh tân dịch, cân bằng lại âm dương cho cơ thể.
- Trị di tinh, hoạt tinh, mộng tinh.
- Trị bệnh bạch đới ( còn gọi là Viêm tử cung )
- Hỗ trợ điều trị đái tháo đường.
- Trị thận yếu, hay buồn đi tiểu, hoa mắt, chóng mặt.
- Trị chứng ra mồ hôi trộn ở trẻ em và người lớn.
- Bổ phổi, trị ho.
Một số bài thuốc dân gian chữa bệnh từ hoài sơn
Bài thuốc trị các bệnh đường ruột, tiêu hóa kém như bệnh viêm đại tràng, bệnh dạ dày
Nguyên liệu: Hoài sơn 10g, Bạch truật 8g, Trần bì 5g, bạch phục linh 6g
Các nguyên liệu trên cho vào nồi cùng 700ml nước, sắc uống.
Lượng nước sắc chia ra làm 2-3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc trị di tinh, mộng tinh, thuốc bổ thận
Nguyên liệu: Hoài sơn 10g, Bạch truật 8g, Khiếm thực 10g, Sơn thù du 6g.
Các nguyên liệu trên đem sắc cùng 700ml nước.
Lượng nước sắc chia ra 3 lần uống trong ngày.
Bài thuốc bổ phổi, trị ho
Nguyên liệu: Hoài sơn 10g, củ mạch môn 10g, bách hợp 10g, sa sâm 6g.
Các nguyên liệu trên đem sắc, uống hàng ngày.
Bài thuốc trị tiểu đường
Nguyên liệu: Hoài sơn 15g, thiên hoa phấn 12g, bạch hộc 12g.
Các nguyên liệu trên sắc với 1,2 lít nước. Sắc đến khi cạn nước còn 400ml thì dừng sắc, chắt lấy nước chia ra làm 3 lần uống trong ngày.
Một số món ăn bồi bổ cơ thể từ củ mài
Củ mài dù còn tươi hay còn khô đều là những thực phẩm rất giàu dinh dưỡng và ngon miệng. Dân gian thường nấu canh củ mài với xương, luộc củ mài hay nấu cháo với thịt đều cho ra những món ăn thơm ngon, bổ dưỡng.
Các món ăn từ củ mài đều đặc biệt tốt cho người gầy yếu, mới ốm dậy và đang suy nhược cơ thể.
Những lưu ý khi sử dụng hoài sơn
Những người có chứng thực tà thấp nhiệt thì không nên dùng hoài sơn. Dùng kiện tỳ chỉ tả nên sao vàng, cần bổ âm nên dùng hoài sơn sống
Trước khi sử dụng hoài sơn, cần lưu ý lựa chọn đúng loại hoài sơn:
- Hoài sơn màu trắng ngà, cứng và khó bẻ gãy.
- Hoài sơn khi thái mỏng, phơi khô không có lõi ở giữa và không có xơ.
- Vị hoài sơn: Thơm ngậy, dễ ăn.
- Nên lựa chọn nguồn cung cấp ngoài sơn an toàn, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng
Hoài sơn – sơn dược là vị thuốc quý giúp bồi bổ và nâng cao sức khỏe hiệu quả. Tuy nhiên để tránh rủi ro trong thời gian điều trị, nên tham vấn thầy thuốc trước khi thực hiện món ăn và bài thuốc từ dược liệu này.